Chương trình chọn giống cá Chép hợp tác giữa Việt Nam và Hungary

13/04/2023

Những năm trước đây ở nước ta, có 08 loài cá chép bản địa, trong đó cá chép trắng được nuôi nhiều nhất (Trần Đức Trọng, 1993). Tuy nhiên, cá chép trắng đã thể hiện tốc độ sinh trưởng chậm, thành thục sớm (Phạm Anh Tuấn, 1986). Năm 1975, ba dòng cá chép (chép kính Hung, chép vảy Hung & chép vàng Indo) đã được nhập vào VN. Các phép lai giữa chép trắng Việt với chép vẩy Hung, chép vàng Indo đã được thực hiện (PM Tưởng 1979. Sau 5 thế hệ chọn lọc, tăng trưởng của cá chép lai đã tăng 33% so với quần đàn ban đầu (Tran Mai Thien, 1993).

Từ năm 2008, chương trình chọn giống cá chép không được tiếp tục thực hiện, dẫn đến hiện tượng lai tạp, cận huyết đã xảy ra. Kết quả là chất lượng con giống không ổn định, tỉ lệ phân đàn cao, tỉ lệ sống thấp. Xuất phát từ thực trạng đó, chương trình chọn giống để nâng cao chất lượng giống cá chép đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ cho Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I  (Viện I) thực hiện dự án: “Nghiên cứu nâng cao chất lượng nguồn gen trong lĩnh vực thủy sản và vật nuôi thông qua hợp tác giữa Việt Nam và Hungary”. Đây là một trong những nhiệm vụ khoa học và công nghệ nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu theo nghị định thư đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hungary.

Viện I phối hợp với Viện Nghiên cứu Bảo tồn gen giống vật nuôi Hungary tiếp nhận trứng đã được thụ tinh của 02 dòng cá chép mới (Tata & P3) mới nhập từ Hungary  vào Việt Nam từ tháng 7/2019 làm vật liệu di truyền cho lai tạo chọn giống. Công việc ấp trứng, ương, nuôi cá được triển khai tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, Tân Dân – Chí Linh – Hải Dương. Đến nay, các dòng lai đã được nuôi thử nghiệm với kết quả là cá tăng trưởng nhanh, màu sắc vàng óng, đầu nhỏ, thịt nhiều hơn so với cá chép nuôi phổ biến hiện nay.