Cá Măng có thân hình dài, bơi lội rất khỏe, tính hung hãn, sống ở tầng giữa và tầng trên. Cá thường dượt theo và đuổi bắt các loài cá khác để ăn thịt. Ở sông Hồng khoảng tháng 6-7 sau khi đẻ xong, cá bố mẹ và cá con di chuyển vào các đàm hồ ven sông hoặc các sông nhánh để vỗ béo cho đến trước mùa đông, rồi lại từ các nơi đó di chuyển ra dòng chính để tránh rét.
Dinh dưỡng:
Cá Măng thuộc loài cá dữ điển hình, thức ăn chủ yếu là các loài cá nhỏ. Trong ruột cá Măng thu được thường thấy có cá Mương, cá Thiểu, cá Dầm đất, cá Chạch, cá Ngão, cá Trôi, cá Chát, cá Sỉnh, cá Lành canh… Chúng sống đơn độc và thường theo các đàn cá nhỏ. Cá Măng thường tập trung nhiều ở các bãi đẻ của cá Mương, cá Trôi, cá Nhàng…để kiếm thức ăn. Chiều dài ống tiêu hóa của cá Măng chỉ bằng 0,53-0,54 lần chiều dài thân. Cường độ bắt mồi là cá con của cá Măng rất lớn. Một con cá Măng nặng 10kg ăn được cá Trôi nặng 1,5 kg. Cá bột của cá Măng nuôi chung với cá bột của các loài cá khác (Mè, Trôi, Trắm) trong ao ương có thể lớn trội hẳn lên, ăn hại rất nhiều cá bột khác. Vì vậy cá Măng là đối tượng gây hại lớn trong các ao ương cá hương và cá giống. Ở các sông suối và hồ chứa, cá Măng thường ăn các loài cá tạp kém giá trị kinh tế, đảm bảo cân bằng sinh học.
Sinh trưởng:
Cá Măng thuộc loài cá có kích thước lớn, cỡ lớn tối đa biết được là 50 – 60 kg. Cùng nuôi trong vùng nước, cá Măng có thể ăn các loài cá khác có kích thước gần tương đương và tăng trưởng nhanh. Tốc độ lớn của cá Măng theo nghiên cứu cho thấy như sau: chiều dài cá 1 tuổi là 32,5 cm, 2 tuổi là 53,5 cm, 3 tuổi là 97,5 cm và 4 tuổi là 135 cm. Cá khai thác thường có khối lượng từ 1-5 kg.