Kết quả bước đầu cho thấy cả hai dòng cá chép Tata và cá chép Szavas P3 được nhập từ Hungary đều có tỉ lệ sống cao, tỉ lệ dị hình thấp, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các dòng cá chép đang nuôi ở Việt Nam. Điều này thể hiện khả năng thích nghi cao và phù hợp để làm vật liệu di truyền trong lai tạo chọn giống mới
Cá chép vảy Tata là dòng cá được phát triển nuôi lâu đời nhất tại Hungary, cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, hình dạng cơ thể tròn, tỉ lệ sống cao, vì thế chúng được sử dụng làm vật liệu di truyền trong lai tạo giống (Hulata, 1995). Các thế hệ con lai của cá chép vảy Tata đã thể hiện được nhiều ưu thế lai như sinh trưởng nhanh, màu sắc sáng, thân tròn, thịt thơm ngon trong điều kiện nuôi thực tế (Gal, 2016). Trong khi đó, cá chép vảy Szarvas P3 được xây dựng thông qua công tác chọn giống cá thể từ năm 1975 (Hulata, 1995). Để củng cố cấu trúc di truyền về các đặc điểm như màu sắc sáng, hình dạng cơ thể dài, phương pháp lai cận huyết đã được sử dụng qua nhiều thế hệ, kết hợp với công tác chọn lọc kiểu hình nghiêm ngặt đã tạo ra dòng cá chép vẩy Szarvas P3. Đây là dòng cá có tỉ lệ sống cao, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp hơn so với các dòng cá chép vẩy khác (Brzuska, 2005). Hiện nay, nguồn gen thuần của 02 dòng cá chép này đang được lưu giữ tại Viện nghiên cứu bảo tồn gen các giống vật nuôi, Hungary (Brzuska, 2005).
Hình 1: Hai dòng cá chép Tata (trái) và cá chép Szavas P3 (phải) sau 6 tháng nuôi
Nhằm tiếp tục thực hiện chương trình chọn giống để nâng cao chất lượng giống cá chép, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Trung tâm) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Bảo tồn gen các giống vật nuôi của Hungary tiếp nhận 500.000 trứng cá chép đã thụ tinh của 02 dòng cá chép vảy Hungary (chép Tata và chép Szavas P3) làm vật liệu di truyền cho lai tạo để chọn lọc các quần đàn cá chép có chất lượng di truyền cao và ổn định.
Hình 2: Hình ảnh Trứng cá Chép Tata và Trứng cá chép Szavas P3 đã thụ tinh
Kết quả ấp trứng, ương nuôi cá cho thấy, thời gian nở của trứng cá chép Tata là 61,8 ± 2,1 giờ, cá chép Szavas P3 là 62,2 ± 3,3 giờ, tương đương tỉ lệ nở là 91,5 ± 2,8 và 93,3 ± 3,4%, tỉ lệ dị hình là 1,2 ± 0,6% và 1,3 ± 0,4%. Tỉ lệ sống của cá hương Tata là 62,5 ± 3,4%, Szavas P3 là 67,5 ± 4,6 %. Tỉ lệ sống của cá chép giống Tata là 48,7%, cá chép Szarvas P3 là 53,3%. Tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài và khối lượng cá Tata trong giai đoạn nuôi cá giống là 6,8 ± 1,26 mm/ngày và 0,51 ± 0,08 g/ngày, cá Szarvas P3 là 6,3 ± 1,5 mm/ngày và 0,49 ± 0,04 g/ngày. Sau 8 tháng nuôi, khối lượng trung bình và chiều dài thân cá chép Tata đạt 1.670,5 ± 10,2 g/con và 50,2 ± 7,1 cm/con, cá chép Szavas P3 đạt 1.565,5 ± 10,2 g/con và 49,3 ± 7,7 cm/con. Hệ số chuyển đổi thức ăn đối với cá Tata và Szavas P3 lần lượt là 2,0 và 1,9.
Kết quả cho thấy đặc điểm sinh trưởng của 02 dòng cá Tata và Szavas P3 là nhanh hơn so với các dòng cá chép đang nuôi ở Việt Nam, phù hợp để làm vật liệu di truyền trong lai tạo chọn giống.
Đến nay, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc đã lựa chọn tiếp được 6.000 cá thể của mỗi dòng để tiếp tục nuôi tăng trưởng theo đúng nội dung của dự án và đã chọn lọc, xây dựng được đàn cá chép Tata và Szavas P3 bố mẹ, với số lượng 1.000 cá thể, khối lượng trung bình 2,5 kg/con. Trung tâm cũng đã triển khai cho sinh sản tạo thế hệ dòng thuần tiếp theo để lưu giữ và xây dựng các tổ hợp lai phục vụ công tác trong chọn giống trong thời gian tới.