Giới thiệu hai dòng cá chép mới (Tata và Szavas P3)

16/02/2023

Hiện nay có rất nhiều dòng cá chép phục vụ nuôi và nghiên cứu ở Việt Nam. Có thể kể đến là cá chép Hungary (chép trần, chép vảy), chép Séc, chép Trung Quốc (còn gọi là chép Lào Cai), chép Thái (còn gọi là cá chép xanh), chép Việt, chép đỏ, chép Phú Tảo, chép Viện 1, chép Hà Tây, giống chép lai V1 và chép F1 Hải Phòng. Hiện nay, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (KDC Triều – Tân Dân – Chí Linh – Hải Dương, 0987877598) là nơi đang lưu giữ nhiều dòng cá chép nhất bao gồm cả hai dòng cá chép Hungary mới là cá chép vảy Tata và cá chép vảy Szarvas P3.

         

Dòng cá Chép vẩy Tata

                 Cá chép vảy Tata của Hungary hiện là một trong những dòng cá chép được phát triển nuôi lâu đời nhất tại Hungary. Có tài liệu chuyên ngành đã ghi nhận, dòng cá chép này được du nhập lần đầu tiên từ Đức vào nuôi tại Hungary từ năm 1860. Nhưng từ năm 1890, dòng cá này mới chính thức được Trung tâm nghiên cứu thủy sản tại thành phố Tata, thuộc vùng Tây Bắc Hungary du nhập từ tỉnh Trebon của Cộng hòa Séc về nuôi thuần hóa, phục vụ công tác chọn giống (Antalfi 1971). Qua nhiều thế hệ chọn lọc, Trung tâm đã lựa chọn được dòng cá chép vảy Tata thuần có tốc độ tăng trưởng nhanh, hình dạng cơ thể tròn, tỷ lệ sống cao vì thế chúng được sử dụng làm vật liệu di truyền trong lai tạo giống (Antalfi 1971). Thông qua lai tạo, dòng cá này đã góp phần tạo ra được nhiều dòng cá chép khác hiện đang được nuôi phổ biến ở Hungary. Điểm nổi bật của dòng cá chép Tata là có tính trạng di truyền ổn định, rất phù hợp trong lai tạo. Dòng cá chép vảy Tata đã được sử dụng làm cá bố mẹ trong nhiều thí nghiệm lai giống. Các thế hệ con lai của cá chúng đã thể hiện được nhiều ưu thế lai như sinh trưởng nhanh, màu sắc sáng, thân tròn, thịt thơm ngon trong điều kiện nuôi thực tế. Hiện nay các nguồn gen thuần của dòng cá chép vảy này đang được lưu giữ ở NAIK-HAKI, Hungary và Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc.

Dòng cá Chép vẩy Szarvas P3

               Cá chép vảy Szarvas P3 được xây dựng thông qua công tác chọn giống cá thể từ dòng cá chép vảy Tata từ năm 1975. Sau đó, để củng cố cấu trúc di truyền về các đặc điểm như màu sắc, hình dạng cơ thể, phương pháp lai cận huyết đã được sử dụng qua nhiều thế hệ liên tiếp, kết hợp với công tác chọn lọc kiểu hình nghiêm ngặt đã tạo ra dòng cá chép vảy Szarvas P3 hiện nay. Đây là dòng cá có tỷ lệ sống cao, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp hơn so với các dòng cá chép khác. Hiện nay dòng cá chép vảy này cũng đã được sử dụng trong chọn giống thông qua các phép lai cận huyết để tạo ra các dòng thuần chủng có tinh di truyền ổn định như chép vảy P3 hoặc sử dụng để lai khác dòng tạo ưu thế lai (chép lai Szarvas P31 và P34) có ưu điểm nổi bật là tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao. Trong hai mươi năm qua, dòng cá này là dòng cá chép vảy chính của Hungary xuất khẩu sang Cộng hòa Séc, Romania và Hy Lạp, chúng là vật liệu di truyền chính để tạo ra các dòng cá chép mới phù hợp với các nước nhập khẩu. Dòng cá chép vảy Szarvas P3 hiện đang được lưu giữ làm vật liệu di truyền tại NAIK-HAKI, Hungary và Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc.