NHỮNG LƯU Ý KHI ƯƠNG NUÔI CÁ CHÉP LAI V1

27/04/2023

Nước ta có nhiều loài cá chép với nhiều hình dạng khác nhau, nhưng đa phần các loài cá chép bản địa Việt Nam có sức sinh trưởng thấp. Để khắc phục vấn đề trên, Việt Nam đã nhập thêm các loài cá chép vảy Hungary và cá chép vàng Indonesia trong những năm 1970 – 1980 để phục vụ công tác lai tạo sản xuất giống. Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thuỷ sản I đã tiến hành các chương trình chọn lọc từ năm1984 – 1995 cho ra sản phẩm cá chép chọn giống V1 là thế hệ chọn lọc thứ 6 của những dòng cá lai kép giữa cá chép Việt Nam (V), Hungary (H) và Indonesia (I) (Trần Mai Thiên, 1988, 1993, 1996). Những con cá chép giống gốc đã được lai với nhau để tạo ra các tổ hợp con lai khác nhau và tiến hành chọn lọc. Bốn thế hệ chọn lọc đã được thực hiện sau sáu năm (1985-1991). Hệ số di truyền đạt được là 0,29; 0,20 và 0,05 trong thế hệ 1, 2 và 4. Sau năm thế hệ chọn lọc hàng loạt, tốc độ tăng trưởng của cá chọn giống đã tăng 33% so với giống gốc (Thiên, 1993). Việc sản xuất thành công giống cá chép lai ba máu V1 của Viện Nghiên cứu NTTS I đã đưa đến cơ hội phát triển rất lớn cho người nuôi cá chép ở Việt Nam. Cá chép V1 là giống lai giữa cá chép Trắng Việt Nam, cá chép vảy Hungary và cá chép vàng Indonesia nên đã được thừa hưởng các di truyền quý như chất lượng thịt thơm ngon, tốc độ sinh trưởng nhanh, cá đẻ sớm… Nuôi cá chép V1 đã được phát triển rộng rãi trong cả nước, nuôi đơn cá chép lai có thể cho năng suất 2tấn/ha và nuôi ghép trong các ao với mật độ thưa 35-50 m2/con như ở Bạch Trữ (Vĩnh Phú), Lạng Giang (Hà Bắc) một năm cá có thể đạt 2-3kg/con (Nguyễn Công Thắng, 1988). Mô hình nuôi kinh tế cá chép lai V1 ở Liên Châu, Hà Nội cho thấy cá chép lai tạo cho lợi nhuận gấp 2,5 lần so với các loài nuôi trước đây.

Tuy nhiên khi nuôi cá chép cần lưu ý những vấn đề sau đây:

– Về mật độ: Đối với cá chép thì mật độ càng thấp thì tốc độ lớn càng cao và ngược lại. Chính vì thế nên thả cá chép ở mật độ vừa phải để đảm bảo tăng trưởng tốt và cho hiệu quả kinh tế, sử dụng tối ưu diện tích ao. Cá chép chỉ nên thả ít hơn 1 con/2m2, tối ưu là 1 con/5m2.

– Về nuôi ghép: Giống cá chép lai V1 rất phù hợp để nuôi với cá rô phi. Trong ao nếu nuôi cá rô phi làm chủ đạo thì nhất thiết nên thả cá chép lai V1 để tối ưu hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình đã chứng mình số lượng cá chép thả ít hơn rất nhiều so với cá rô phi nhưng khi thu hoạch thì tiền thu được từ cá rô/chép là 6/4. Trong ao nuôi ghép cá chép lớn rất nhanh, sử dụng ít thức ăn.

– Đối với nuôi lồng đơn canh cá chép: Nuôi với hình thức này , người nuôi đặc biệt lưu ý bệnh làm cá chết hàng loạt. Cho đến nay chưa thấy có phương pháp nào chữa bệnh hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên những kinh nghiệm sau có thể cân nhắc áp dụng: Khi cá bị bệnh thì chuyển cá về ao có thể giải quyết được vấn đề; san thưa cá bị bệnh và chia ra nhiều lô nhỏ để xử lý.